Theo báo cáo kinh tế 8 tháng của Bộ Công Thương vừa mới công bố, nhiều ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng tốt.
Cụ thể, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 30,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 40,2%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,6%; dệt tăng 19,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,1%.
Theo đó, nhiều sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành:Ô tô tăng 59,2%; điện thoại di động tăng 58,1%; ti vi tăng 39,4%; giày, dép da tăng 24,7%; thép cán tăng 19,7%;
Năng lượng: Về ngành điện, 8 tháng đầu năm 2015, điện thương phẩm ước đạt 93,9 tỷ kWh, tăng 11,7% so cùng kỳ năm 2014
Ngành dầu khí, tính chung 8 tháng ước đạt 12,3 triệu tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ; lượng khí khai thác cũng đạt 7,1 tỷ m3.
Về chế biến dầu khí, sản lượng xăng dầu các loại tháng 8 ước đạt 586,4 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2014, tính chung 8 tháng ước đạt 4,6 triệu tấn, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngành cơ khí, điện, điện tử: Tháng 8 năm 2015, sản lượng xe máy ước đạt 251,7 nghìn cái, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng ôtô ước đạt 18 nghìn cái, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng xe máy ước đạt 1.859,9 nghìn cái, giảm 11,1% so với cùng kỳ; sản lượng ô tô ước đạt 125,2 nghìn cái, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngành Dệt may: Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 197,5 triệu m2, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2014; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 443,7 triệu m2, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2014; quần áo mặc thường ước đạt 2.056 triệu cái, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Về xuất khẩu ngành dệt may tháng 8 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ, trước mắt chưa tác động đến các doanh nghiệp của ngành. Tuy nhiên, về lâu dài, khi hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng xuất vào Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động, bám sát diễn biến thị trường, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất.
Ngành Da Giầy: Tính chung 8 tháng năm 2015, sản lượng giầy dép da ước đạt 216 triệu đôi, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trước diễn biến phức tạp của việc điều chỉnh giảm giá của đồng Nhân dân tệ, tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần phải bám sát diễn biến thị trường để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngành Sữa: Tính chung 8 tháng, sản lượng sữa bột đạt 58,7 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014 trong đó sữa tươi ước đạt 701,5 triệu lít, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Về kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa 8 tháng đầu năm giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngành Thép: Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép thô đạt 2.434 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2014; thép cán đạt 2.733,4 nghìn tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2014; thép thanh, thép góc đạt 2.536,4 nghìn tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhập khẩu thép các loại tăng 43,5% về lượng và 10,8% về trị giá; nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.