Ông Philipp Rosler : Giám đốc điều hành diễn đàn kinh tế thế giới |
Nhận định nêu trên được lãnh đạo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chia sẻ trong cuộc giao lưu với đại diện lãnh đạo trẻ và các dự án khởi nghiệp (start-up) Việt tại Hà Nội đầu tuần này.
Với chủ đề "Chinh phục Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", bài phát biểu của ông Philipp Rosler cho rằng sau việc sử dụng máy hơi nước, sản xuất ở quy mô lớn và tự động hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với sự kết hợp của tất cả các ngành công nghiệp với thế giới kỹ thuật số.
Kỷ nguyên này mở ra hàng loạt cơ hội với những quốc gia ASEAN cũng như Việt Nam hiện nay, song tốc độ là yếu tố quyết định bởi những sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ robot hay trí thông minh nhân tạo... cũng được cập nhật và thay thế rất nhanh.
"Nhiều nơi trên thế giới đang nói về chuyện những dịch vụ như Uber đang cạnh tranh với các tài xế taxi. Nhưng người ta đã bắt đầu làm ra những chiếc xe tự hành - thứ sẽ thay thế cả hai chủ thể nói trên trong tương lai gần", ông Rosler lấy ví dụ.
Tự giới thiệu việc mình được sinh ra tại Việt Nam, vị chuyên gia này nhanh chóng cho rằng cuộc cách mạng nêu trên rất có ý nghĩa với các start-up Việt. Theo đó với những gì được chứng kiến và hiểu biết về cộng đồng khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam, ông Rosler cho rằng các start-up tại đây không thua kém về mức độ năng động và sáng tạo so với những dự án tại Mỹ hay Đức. Điểm khác biệt là khả năng và cơ hội thu hút vốn đầu tư. Do đó ông gợi ý các doanh nhân trẻ Việt Nam cần nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa đặc trưng và sáng tạo để thu hút vốn.
"Nếu bạn tập trung cho công nghệ, bạn đang có cơ hội lớn. Hãy bắt đầu ngay theo những cách khác biệt, đừng cố sao chép ai đó. Cả thế giới đang cố gắng kết hợp giữa công nghiệp và kỹ thuật số. Họ tìm khắp nơi để đầu tư. Tại sao không thể tìm thấy một dự án ở Hà Nội cơ chứ", ông cổ vũ.
Chia sẻ những quan điểm của nêu trên của lãnh đạo WEF, song Nguyễn Việt Thắng, chủ dự án See Space - một start-up chuyên phát triển công nghệ cho smart TV cho rằng người khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản cần vượt qua để hòa nhập với cuộc cách mạng toàn cầu.
"Các start-up tại Hà Nội vẫn còn ở đẳng cấp rất thấp so với những dự án tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Do đó, thay vì cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ sừng sỏ, tôi cho rằng tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ vẫn là một ý tưởng tốt. Chẳng hạn See Space có trụ sở tại Mỹ, nhưng đội phát triển lại nằm ở Hà Nội", doanh nhân trẻ chia sẻ.
“Làm start-up đòi hỏi những nỗ lực phi thường, trong khi nhiều người vẫn mong tìm kiếm những "đường tắt" để đi tới thành công", Nguyễn Việt Thắng nói thêm, đồng thời cho rằng lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam hiện vẫn rất thiếu kỹ năng giải quyết các khó khăn, trong khi đây là điều rất cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại.
Tuy vậy, khi trả lời câu hỏi của VnExpress xung quanh các nghiên cứu gần đây cho thấy năng suất lao động của người Việt vẫn kém xa các nước trong khu vực, ông Philipp Rosler cho rằng Việt Nam vẫn có quyền lạc quan bởi điều đó có thể sớm thay đổi trong tương lai, khi nền kinh tế vẫn được hưởng lợi từ dân số trẻ - lợi thế mà những nền kinh tế phát triển như Đức hay Nhật Bản không có được.
-- Theo VNExpress --
0 nhận xét:
Đăng nhận xét